0936715979
TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC SÀI GÒN

SAIGON CENTRE FOR EDUCATIONAL QUALITY ACCREDITATION

Chương Trình Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Kiểm Định Viên

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ KIỂM ĐỊNH VIÊN

 (Kèm theo Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

Chương trình có mục tiêu bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên cho các đối tượng là cán bộ quản lý, giảng viên và những cá nhân có nguyện vọng tham gia công tác kiểm định, bảo đảm chất lượng trong lĩnh vực giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm để có các năng lực sau:

- Có kiến thức nền tảng về quản lý/quản trị đại học và bảo đảm chất lượng (BĐCL) giáo dục đại học (GDĐH); am hiểu các bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục (CSGD) và chương trình đào tạo (CTĐT) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ban hành;

- Có kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin, minh chứng; kỹ năng hướng dẫn, viết và thẩm định báo cáo (BC) tự đánh giá (TĐG); kỹ năng kiểm tra, đánh giá chất lượng minh chứng, quan sát đánh giá khi tham gia đánh giá ngoài (ĐGN), phỏng vấn các bên liên quan, kiểm chứng, đánh giá thông tin, minh chứng và viết BC ĐGN;

- Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm; có trách nhiệm đối với chất lượng GDĐH nói chung và cơ sở giáo dục (CSGD) nói riêng, trách nhiệm với trung tâm kiểm định (TT) đang tham gia đánh giá và trách nhiệm với toàn xã hội.

II. CHUẨN ĐẦU RA

Sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, người học đạt được chuẩn đầu ra cụ thể như sau:

- Áp dụng được kiến thức lý thuyết và thực tế về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, khu vực và quốc tế trong nghiệp vụ kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

- Nghiên cứu và thẩm định được hồ sơ tự đánh giá; lập kế hoạch đánh giá; thực hiện các hoạt động đánh giá; thu thập, phân tích dữ liệu và đánh giá thông tin; xây dựng báo cáo đánh giá ngoài; Thiết kế và triển khai hoạt động bảo đảm chất lượng;

- Xác định và giải quyết vấn đề; tư duy phản biện và độc lập, tự chủ trong công việc chuyên môn. Giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả với thành viên trong đoàn đánh giá ngoài và các bên liên quan. Quản lý thời gian và áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;

- Xác định được tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm;

- Xác định được rõ trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp trong các tình huống công việc chuyên môn nhằm đưa ra các đánh giá chính xác, khách quan, các khuyến nghị phù hợp có xem xét đến bối cảnh của cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo.

III. NỘI DUNG VÀ THỜI LƯỢNG BỒI DƯỠNG

1. Khung nội dung và thời lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên

TT

Khung nội dung bồi dưỡng

Thời lượng (số đơn vị tín chỉ) (*)

Tổng số

Lý thuyết

Thực hành, thảo luận, bài tập/kiến tập, thực tập

1

Phần I. Tổng quan về bảo đảm chất lượng & kiểm định chất lượng giáo dục

3

2

1

2

Phần II. Hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục; tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục

3

1

2

3

Phần III. Hệ thống bảo đảm chất lượng và vận hành chương trình đào tạo; tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo

3

1

2

4

Phần IV. Kiến tập, thực tập

1

0

1

 

Tổng

10

4

6

(*) Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá.

Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.

2. Những lưu ý đối với giờ thực hành, thảo luận, bài tập/kiến tập, thực tập

a) Thực hành tự đánh giá, đánh giá ngoài cơ sở giáo dục/chương trình đào  tạo: Viết phiếu phân tích tiêu chí, tìm thông tin, minh chứng; viết phiếu đánh giá tiêu chí; viết báo cáo tự đánh giá; viết báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá của thành viên đoàn đánh giá ngoài; viết báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá của đoàn đánh giá ngoài; vận dụng các kỹ năng đánh giá, đóng vai thành viên đoàn đánh giá ngoài tiến hành khảo sát chính thức tại cơ sở đào tạo; viết báo cáo đánh giá ngoài;

b) Kiến tập, thực tập: gồm có nội dung về kiến tập, thực tập một số nội dung cơ bản về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo; tham gia khảo sát chính thức trực tiếp tại cơ sở đào tạo.

IV. PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC BỒI DƯỠNG, ĐÁNH GIÁ VÀ BẢO LƯU KẾT QUẢ HỌC TẬP

1. Phương pháp, hình thức bồi dưỡng

a) Phương pháp bồi dưỡng: Chủ yếu tập trung vào cung cấp thông tin; hướng dẫn, thảo luận, làm bài tập, xử lý tình huống, tham khảo các tài liệu học tập kết hợp với thực hành, kiến tập, thực tập để hình thành năng lực nghiệp vụ cho người học;

b) Hình thức bồi dưỡng: tổ chức học theo hình thức học trực tiếp trên lớp tại Trung tâm hoặc tại cơ sở đào tạo khi kiến tập, thực tập kết hợp học trực tuyến; được tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt, bảo đảm thời lượng được quy định cho từng nội dung và phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng trong thời gian không quá 04 tháng; thời lượng bồi dưỡng mỗi ngày không quá 08 giờ.

2. Đánh giá kết quả học tập

a) Kết thúc mỗi phần trong chương trình, Trung tâm sẽ có một bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của phần đó. Nội dung, hình thức, thời gian kiểm tra do Trung tâm quyết định và sẽ được công bố trước khi thực hiện khóa bồi dưỡng;

b) Quá trình kiểm tra, đánh giá do Trung tâm thiết kế nhằm đánh giá được mức độ đạt được chuẩn đầu ra tối thiểu của khung chương trình quy định được Bộ GD&ĐT quy định;

c) Người học tham dự ít nhất 80% thời gian lên lớp về lý thuyết, thực hiện đầy đủ các bài thực hành, kiến tập, thực tập, chấp hành đúng các quy định của Trung tâm thì được tham dự bài kiểm tra theo mỗi phần;

d) Người học có điểm kiểm tra của tất cả các phần trong chương trình bồi dưỡng đạt yêu cầu và có giấy xác nhận của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục về việc đã tham gia kiến tập, thực tập theo quy định sẽ được Giám đốc Trung tâm xem xét, công nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng.

3. Bảo lưu kết quả học tập

a) Người học không thuộc diện bị buộc thôi học, chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình thì được bảo lưu điểm kiểm tra đã đạt yêu cầu. Điểm kiểm tra có giá trị được xét bảo lưu trong thời gian không quá 02 năm tính từ ngày công bố điểm kiểm tra chuyên đề;

b) Giám đốc Trung tâm quy định cụ thể và tổ chức thực hiện việc bảo lưu kết quả học tập của người học./.

 

Tin liên quan
Thông báo
Đăng ký KĐCLGD
Văn bản mới
Thư viện ảnh
Liên kết website